MÙ TÀI CHÍNH – FINANCIAL IGNORANCE
Chúng ta không ngu dốt về tiền bạc – chỉ là chưa bao giờ được dạy về nó.
Có một điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên khi tìm hiểu về Bitcoin: hệ thống này không chỉ đơn thuần là một mạng máy tính. Nó đòi hỏi một lượng kiến thức khổng lồ về tài chính, kinh tế và cả tâm lý học. Nói theo cách của một nhân vật nhỏ bé với đôi chân đầy lông tên là Ngốc: “Bước chân vào Bitcoin là một chuyện nguy hiểm, Ngốc ạ! Cậu đọc xong whitepaper, và nếu không giữ vững đôi chân, chẳng biết cậu sẽ bị cuốn đi đâu về đâu.”
Để hiểu được một hệ thống tiền tệ mới, trước tiên bạn phải hiểu hệ thống cũ. Và tôi nhanh chóng nhận ra rằng lượng kiến thức về tài chính mà tôi được học trong 3 năm CĐ, 2 năm ĐH, 2 năm MBA gần như bằng 0.
Như một đứa trẻ lên năm, tôi bắt đầu tự hỏi:
Hệ thống ngân hàng hoạt động như thế nào?
Thị trường chứng khoán vận hành ra sao?
Tiền pháp định (fiat) là gì? Tiền thật sự là gì?
Tại sao nợ lại nhiều đến vậy?
Ai quyết định lượng tiền được in ra?
Sau một cơn hoảng loạn nhẹ vì nhận ra mình biết quá ít, tôi tìm thấy sự an ủi khi biết rằng mình không hề đơn độc.
Babavanga, một người từng làm việc trong lĩnh vực tài chính đã phải thốt lên: “Có một điều trớ trêu là Bitcoin đã dạy tôi về tiền nhiều hơn tất cả những năm tháng làm việc trong các tổ chức tài chính... kể cả thời gian tôi làm ở ngân hàng trung ương.”
Một người khác, bitcoindunny, chia sẻ trên X (Twitter): “Ba tháng tìm hiểu về crypto đã dạy tôi nhiều hơn cả ba năm rưỡi học đại học về tài chính, kinh tế, công nghệ, mật mã học, tâm lý học, chính trị, lý thuyết trò chơi, luật pháp và cả bản thân mình.”
Và những lời thú nhận như vậy xuất hiện khắp mọi nơi.
Bitcoin không phải là một thứ tĩnh lặng, nó như một sinh vật sống. Nhà kinh tế học Ludwig von Mises từng nói rằng kinh tế cũng là một thực thể sống. Và như bất cứ thứ gì sống động, nó không hề dễ hiểu:
“Một hệ thống khoa học chỉ là một trạm dừng chân trên hành trình tìm kiếm tri thức không ngừng. Nó luôn chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu sót vốn có trong mọi nỗ lực của con người. Nhưng điều đó không có nghĩa là kinh tế học ngày nay lạc hậu. Nó đơn giản là một thực thể sống – và đã là sự sống thì luôn có sự thay đổi và không hoàn hảo.”, Ludwig von Mises.
Chúng ta đọc tin tức về những cuộc khủng hoảng tài chính, tự hỏi những gói cứu trợ hàng nghìn tỷ đô hoạt động như thế nào, và rồi ngỡ ngàng khi thấy chẳng ai thực sự chịu trách nhiệm. Tôi cũng đã từng hoang mang như vậy, nhưng ít nhất giờ tôi đã bắt đầu nhìn ra bức tranh lớn hơn về thế giới tài chính.
Ảnh chụp từ Cổng TTĐT Bộ Tài Chính, ngày 08/02/2020. Link gốc bài viết tại đây: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/cqlg/pages_r/l/chi-tiet-tin-cuc-quan-ly-gia?dDocName=MOFUCM174932
Ảnh chụp từ một bài chia sẻ của VTV Digital ngày 09/11/2024. Link gốc https://vtv.vn/kinh-te/goi-kich-thich-1400-ty-usd-lieu-co-du-vuc-day-nen-kinh-te-trung-quoc-20241109053827967.htm
Ảnh chụp từ một bài chia sẻ trên trang báo điện tử nguoiquansat.com, ngày 10/02/2025. Link gốc tại đây: https://nguoiquansat.vn/ngay-mai-thu-tuong-trieu-tap-cac-ngan-hang-ban-giai-phap-bom-2-5-3-trieu-ty-dong-ra-nen-kinh-te-197650.html
Một số người thậm chí cho rằng sự thiếu hiểu biết về tài chính không phải là vô tình, mà là một sự sắp đặt có chủ đích. Chúng ta được dạy lịch sử, vật lý, sinh học, toán học, nhưng tài chính cá nhân và cách tiền tệ hoạt động thì hầu như không được đề cập đến. Tôi tự hỏi, nếu ai cũng hiểu về tiền và nợ, liệu họ có còn sẵn sàng gánh những khoản nợ khổng lồ như hiện nay? Và rồi tôi lại tự hỏi tiếp: “Liệu đội mũ chống sóng nhôm dày 3 lớp có giúp bản thân mình nghĩ thông suốt hơn không?”.
Robert Kiyosaki, tác giả của tập sách “Rich Dad – Poor Dad” nổi tiếng thế giới từng nói:
“Những vụ sụp đổ, những gói cứu trợ đó không phải là tai nạn. Và cũng không phải là tai nạn khi không có giáo dục tài chính trong trường học... Điều đó được sắp đặt trước. Giống như thời kỳ trước nội chiến Mỹ, khi giáo dục cho nô lệ là bất hợp pháp, thì ngày nay chúng ta cũng không được phép học về tiền trong trường học.”
Cũng giống như trong câu chuyện "Phù thủy xứ Oz", chúng ta luôn được bảo “đừng để ý đến người đứng sau tấm rèm”. Nhưng khác với câu chuyện đó, ngày nay đã có một loại phép thuật thực sự: một mạng lưới phi tập trung, không biên giới, không thể kiểm duyệt, giúp con người giao dịch giá trị một cách minh bạch. Không còn tấm rèm nào che giấu sự thật, và bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy điều kỳ diệu đó.
Bitcoin đã dạy tôi cách kéo tấm rèm ra và đối diện với sự thiếu hiểu biết về tài chính của chính mình. Còn bạn thì sao?
Lai Hồ, MBA
Founder, HappyInvest
Author, Đầu Tư Theo Chu Kỳ
Trainer, Đầu Tư Thong Dong
Fund Manager, SAM Global Inc.
Cố Vấn Đầu Tư Tiền Kỹ Thuật Số được Phố Wall Chứng Nhận.